Sự cần thiết ban hành Luật
Qua 06 năm thi hành, Luật TNBTCNN năm 2009 đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường; đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng. Kết quả đó cho thấy Luật đã đi vào cuộc sống, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, Luật TNBTCNN năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như sau:
1. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường còn thiếu đồng bộ so với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của Bộ Luật dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật khiếu nại, Luật tố cáo…Theo Hiến pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự” (khoản 5 Điều 31). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trường hợp người bị thiệt hại do hoạt động tố tụng hình sự gây ra bao gồm “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh sự (khoản 1 Điều 31). Nhưng Điều 26 Luật TNBTCNN năm 2009 thì không điều chỉnh đối tượng là “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” và “người bị bắt”. Theo Khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015: “…mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Quy định này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, nhưng, Khoản 4 Điều 47 Luật TNBTCNN năm 2009 quy định “Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu.”.
2. Luật TNBTCNN năm 2009 quy định chưa rõ việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường nên có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường. Luật chưa quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường đối với cơ quan giải quyết bồi thường, dẫn tới việc giải quyết bồi thường của cơ quan quản lý người thi hành công vụ còn vướng mắc hoặc chưa quy định cụ thể về nội dung quản lý, cơ chế phối hợp, cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại…đối với hoạt động giải quyết bồi thường nên đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
3. Luật TNBTCNN năm 2009 quy định chưa rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, trách nhiệm của người ra quyết định hoàn trả dẫn đến việc hoàn trả của người thi hành công vụ còn bị xem nhẹ và chưa được thực hiện thống nhất. Vì vậy chưa bảo đảm tính răn đe, chưa nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.4. Luật TNBTCNN năm 2009 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa chặt chẽ; thủ tục hành chính còn rườm rà, thời hạn giải quyết kéo dài, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; việc hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết bồi thường chưa được quy định dẫn đến lúng túng trong giải quyết bồi thường. Có vụ việc người bị thiệt hại không hợp tác, không tham gia thương lượng nhưng không có cơ chế để xử lý và giải quyết dứt điểm; trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan gây thiệt hại trong xin lỗi, cải chính công khai, đăng báo chưa được quy định cụ thể nên việc xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo chưa thống nhất, còn hình thức. Quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp, phải qua nhiều cấp có thẩm quyền thẩm định ngay cả khi đã thống nhất về khoản tiền bồi thường nên đã làm chậm việc chi trả tiền bồi thường, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và uy tín của Nhà nước, do vậy, trên thực tế, chưa có vụ việc nào cấp kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường đúng thời hạn.
2. Bố cục của Luật
Luật gồm 9 chương, 78 Điều:
Chương I: Những quy định chung, gồm 16 điều (từ Điều 1 đến Điều 16), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng được bồi thường; nguyên tắc bồi thường của Nhà nước; quyền yêu cầu bồi thường; thời hiệu yêu cầu bồi thường; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường, của người thi hành công vụ gây thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường và các hành vi bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường;
Chương II: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, gồm 05 điều (từ Điều 17 đến Điều 21), quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quản lý hành chính; tố tụng hình sự; tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; thi hành án hình sự; thi hành án dân sự;
Chương III: Thiệt hại được bồi thường, gồm 11 điều (từ Điều 22 đến Điều 32), quy định về: xác định thiệt hại; thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần; các phí phí khác được bồi thường; khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại; trả lại tài sản; phục hồi danh dự và các thiệt hại Nhà nước không bồi thường;
Chương IV: Cơ quan giải quyết bồi thường gồm 8 điều (từ Điều 33 đến Điều 40), quy định về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp cụ thể;
Chương V: Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, gồm 19 điều (từ Điều 41 đến Điều 59), chia thành 03 Mục:
Mục 1 (từ điều 41 đến điều 51): Giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại quy định về hồ sơ yêu cầu bồi thường, thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thụ lý hồ sơ và cử người giải quyết bồi thường, tạm ứng kinh phí bồi thường, xác minh thiệt hại, thương lượng việc bồi thường, quyết định giải quyết bồi thường, hủy, sửa chữa, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường, hoàn giải quyết yêu cầu bồi thường, tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường, đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường.
Mục 2 (từ điều 52 đến điều 55): Giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án quy định về khởi kiện và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án, xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường, thi hành bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án;
Mục 3 (từ điều 56 đến điều 59): Phục hồi danh dự quy định về chủ động phục hồi danh dự và các hình thức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.
Chương VI: Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, gồm 04 điều (từ Điều 60 đến Điều 63), quy định về kinh phí bồi thường, lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường và cấp phát, chi trả tiền bồi thường;
Chương VII: Trách nhiệm hoàn trả, gồm 09 điều (từ Điều 64 đến Điều 72), quy định về: nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ; xác định mức hoàn trả, giảm mức hoàn trả; thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả; quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả; thực hiện việc hoàn trả; xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường; trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chuyển sang cơ quan, tổ chức khác; trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc; trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết;
Chương VIII: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước, gồm 03 điều (từ Điều 73 đến Điều 75), quy định về: trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác bồi thường nhà nước;Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 76 đến Điều 78), quy định về án phí, lệ phí, các loại phí khác và thuế trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Xem đầy đủ về luật tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Luat-Trach-nhiem-boi-thuong-cua-Nha-nuoc-2017-313517.aspx
Tham khảo thêm các thông tin luật hữu ích khác tại: https://thptchuyensonla.edu.vn/gioi-thieu-van-ban/
Để lại một phản hồi