BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ——– | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 06/2012/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 2012 |
Mục Lục
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2012. Thông tư này thay thế Quyết định số 82/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, Hiệu trưởng các trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: – Văn phòng Quốc hội (để báo cáo); – Văn phòng Chính phủ (để báo cáo); – Uỷ ban VHGD TNTNNĐ của QH (để báo cáo); – Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo); – Cục KTrVBQPPL (Bộ Tư pháp); – Các UBND tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện); – Như Điều 3; – Công báo; – Website Chính phủ; – Website Bộ GD&ĐT; – Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTrH. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Vinh Hiển |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông (THPT) chuyên bao gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyển sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục; khen thưởng và xử lý vi phạm.
2. Quy chế này áp dụng đối với trường THPT chuyên thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là trường chuyên thuộc tỉnh), trường THPT chuyên thuộc đại học, trường đại học (sau đây gọi chung là trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học). Các trường chuyên thuộc tỉnh và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học gọi chung là trường chuyên.
3. Trường chuyên được tổ chức và hoạt động theo các quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi là Điều lệ trường trung học) và các quy định tại Quy chế này.
Điều 2. Mục tiêu, nhiệm vụ và quyền hạn của trường chuyên
1. Mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
2. Trường chuyên thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều lệ trường trung học và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông và các nội dung dạy học, giáo dục dành cho trường chuyên;
b) Nghiên cứu vận dụng phù hợp, hiệu quả các phương pháp quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá tiên tiến; tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và kỹ năng hoạt động xã hội của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn và sử dụng ngoại ngữ trong học tập, giao tiếp;
c) Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng thành thạo thiết bị dạy học hiện đại; sử dụng được ngoại ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy và giao tiếp; có khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng;
d) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ trường chuyên;
đ) Phát triển hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý;
e) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường;
g) Tổ chức và quản lý các hoạt động nội trú của học sinh;
h) Xây dựng, quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý, giáo dục và đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường;
i) Tổ chức theo dõi việc học tập của các cựu học sinh chuyên ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và việc sử dụng sau tốt nghiệp. Hỗ trợ việc tổ chức và hoạt động câu lạc bộ cựu học sinh của trường.
Điều 3. Hệ thống trường chuyên và quy mô đào tạo
1. Hệ thống trường chuyên gồm: Trường chuyên thuộc tỉnh và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
2. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể có ít nhất một trường chuyên với tổng số học sinh các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số học sinh THPT của tỉnh, thành phố đó.
3. Cơ sở giáo dục đại học có chức năng đào tạo giáo viên phổ thông trình độ đại học hoặc cử nhân khoa học cùng lĩnh vực chuyên có thể mở trường chuyên phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.
Điều 4. Cơ quan quản lý trường chuyên
1. Trường chuyên thuộc tỉnh do sở giáo dục và đào tạo quản lý.
2. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học quản lý về công tác tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính và tuyển sinh; chịu sự quản lý của sở giáo dục và đào tạo nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp.
Điều 5. Chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục
1. Trường chuyên được ưu tiên bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo đủ định mức, đạt tiêu chuẩn quy định;
2. Trường chuyên được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; được liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có chất lượng cao theo quy định; được mời chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài thỉnh giảng, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh;
3. Trường chuyên được ưu tiên kinh phí chi thường xuyên để đảm bảo cho các hoạt động giáo dục;
4. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành và mời giảng viên thuộc các phòng, khoa của cơ sở giáo dục đại học thực hiện giảng dạy, bồi dưỡng học sinh chuyên;
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên có thể quy định bổ sung chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trường chuyên và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn chuyên được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài.
Điều 6. Chính sách ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh
1. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên, theo nhiệm vụ được giao và thành tích đạt được, được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
2. Học sinh chuyên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập và chế độ khen thưởng theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên có thể quy định bổ sung chế độ học bổng, khen thưởng đối với học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế.
3. Học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế được ưu tiên xét tuyển vào đại học hoặc cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong nước và nước ngoài theo quy định.
Điều 7. Tài sản trường chuyên
Trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường THPT theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia, ngoài ra còn được đầu tư:
1. Diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh;
2. Hệ thống phòng học đạt tiêu chuẩn quy định, đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày;
3. Hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị hiện đại; có đủ sách, tài liệu tham khảo;
4. Các thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại phục vụ việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh;
5. Ký túc xá, nhà ăn cho học sinh có nhu cầu nội trú;
6. Nhà công vụ cho giáo viên;
7. Sân vận động, nhà đa năng, bể bơi và một số thiết bị, dụng cụ thể thao khác.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG
Điều 8. Điều kiện thành lập, cho phép thành lập và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục của trường chuyên
1. Điều kiện thành lập, cho phép thành lập:
a) Đảm bảo các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường trung học quy định tại Điều lệ trường trung học;
b) Đề án thành lập trường xác định phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên quy định tại Điều 2 của Quy chế này; sau 5 năm thành lập phải có ít nhất 40% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn được đào tạo từ thạc sĩ trở lên, không kể giáo viên thỉnh giảng.
2. Điều kiện cho phép hoạt động:
a) Đảm bảo các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục của trường trung học quy định tại Điều lệ trường trung học;
b) Có nguồn tuyển sinh ổn định;
c) Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định đối với trường chuyên;
d) Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ số lượng, phẩm chất, năng lực và trình độ đào tạo theo quy định, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trường chuyên.
Điều 9. Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục
1. Thẩm quyền thành lập:
a) Trường chuyên thuộc tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập theo đề nghị của giám đốc sở giáo dục và đào tạo.
b) Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập theo đề nghị của người đứng đầu và có thẩm quyền đề nghị của cơ sở giáo dục đại học.
2. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục:
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo nơi đặt trụ sở trường chuyên ra quyết định cho phép trường chuyên được hoạt động giáo dục.
Điều 10. Hồ sơ và trình tự, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục đối với trường chuyên
Hồ sơ và trình tự, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục đối với trường chuyên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường trung học.
Điều 11. Lớp trong trường chuyên
1. Trường chuyên có thể có các lớp chuyên sau: Chuyên Toán, chuyên Tin học, chuyên Vật lí, chuyên Hóa học, chuyên Sinh học, chuyên Ngữ văn, chuyên Lịch sử, chuyên Địa lí, chuyên theo các Ngoại ngữ; ngoài các lớp chuyên, có thể có các lớp theo lĩnh vực chuyên và các lớp không chuyên.
2. Số học sinh/lớp của trường chuyên:
a) Lớp chuyên và lớp theo lĩnh vực chuyên: Không quá 35 học sinh/lớp;
b) Lớp không chuyên: Không quá 45 học sinh/lớp; đảm bảo số học sinh các lớp không chuyên không quá 20% tổng số học sinh của trường.
3. Trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định:
a) Số lớp chuyên đối với từng môn chuyên;
b) Số lớp theo lĩnh vực chuyên;
c) Số lớp không chuyên.
Điều 12. Tổ chuyên môn
1. Tổ chuyên môn của trường chuyên được thành lập và thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ trường trung học, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng chương trình, tài liệu dạy học môn chuyên; nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra – đánh giá tiên tiến vào giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh;
b) Phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; bồi dưỡng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và các cuộc thi về năng khiếu khác liên quan đến chuyên môn của tổ;
c) Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; tổng kết, áp dụng sáng kiến – kinh nghiệm và hướng dẫn học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học;
d) Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của tổ, nhóm chuyên môn làm nòng cốt cho các hoạt động chuyên môn của nhà trường;
đ) Tổ chức việc bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các thành viên trong tổ.
2. Ngoài tổ chuyên môn đã quy định tại Điều lệ trường trung học, hiệu trưởng trường chuyên có thể thành lập bộ phận quản lý công tác nghiên cứu khoa học. Bộ phận quản lý công tác nghiên cứu khoa học có nhiệm vụ:
a) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; tổng kết, áp dụng sáng kiến – kinh nghiệm, tự làm thiết bị dạy học hàng năm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật của học sinh;
b) Hỗ trợ giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết, áp dụng sáng kiến – kinh nghiệm, tự làm thiết bị dạy học, sáng tạo kỹ thuật.
Điều 13. Tổ Văn phòng
Tổ Văn phòng của trường chuyên được thành lập, thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ trường trung học và các nhiệm vụ:
1. Phối hợp với các tổ chuyên môn xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong nước, nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý;
2. Theo dõi, hỗ trợ hoạt động của tổ chức các cựu học sinh trường chuyên.
Điều 14. Nội dung công tác quản lý nội trú trong trường chuyên
1. Hoạt động tự học sau giờ lên lớp, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, chăm sóc sức khỏe học sinh nội trú.
2. Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, giáo dục học sinh tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và xây dựng nếp sống văn minh.
Chương III
CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH
Điều 15. Hiệu trưởng trường chuyên
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều lệ trường trung học, hiệu trưởng trường chuyên có tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Có bằng từ thạc sĩ trở lên; đạt xếp loại cao nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng trường trung học;
2. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường chuyên quy định tại khoản 2, Điều 2 nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên;
3. Chủ động trong việc đề xuất tuyển dụng giáo viên, nhân viên; thuyên chuyển giáo viên, nhân viên không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên sang cơ sở giáo dục khác; mời giáo viên thỉnh giảng; cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước;
4. Tự xây dựng kế hoạch, trình sở giáo dục và đào tạo phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng để có khả năng sử dụng được tin học và ít nhất một ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp và đạt tiêu chuẩn theo qui định tại khoản 1 Điều này.
Điều 16. Phó Hiệu trưởng trường chuyên
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều lệ trường trung học, phó hiệu trưởng trường chuyên có tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Có bằng từ thạc sĩ trở lên; đạt xếp loại cao nhất quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường trung học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
2. Giúp việc cho hiệu trưởng tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường chuyên quy định tại khoản 2, Điều 2 nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên;
3. Tự xây dựng kế hoạch, trình sở giáo dục và đào tạo phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng để có khả năng sử dụng được tin học và ít nhất một ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp và đạt tiêu chuẩn theo qui định tại khoản 1 Điều này.
Điều 17. Tuyển dụng giáo viên trường chuyên
1. Trường chuyên tổ chức tuyển dụng giáo viên nếu có đủ các điều kiện theo quy định tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Nếu trường chuyên không đủ các điều kiện để tổ chức tuyển dụng thì cơ quan quản lý trường chuyên tổ chức tuyển dụng giáo viên trường chuyên.
3. Giáo viên trường chuyên được tuyển dụng bằng hình thức kết hợp thi tuyển (chủ yếu đối với các năng lực chuyên môn) và xét tuyển (chủ yếu đối với ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo). Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên quy định cụ thể nội dung, hình thức thi tuyển, xét tuyển.
4. Ưu tiên trong tuyển dụng những người có kết quả tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi; có học vị tiến sĩ, thạc sĩ; là giáo viên giỏi ở các trường THPT khác; đã từng là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Điều 18. Thỉnh giảng
Việc thỉnh giảng trong trường chuyên thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 19. Đánh giá, xếp loại giáo viên trường chuyên; chuyển giáo viên ra khỏi trường chuyên
1. Đánh giá, xếp loại giáo viên trường chuyên
Hàng năm, căn cứ quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường trung học, Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên phổ thông công lập và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền của giáo viên trường chuyên để đánh giá, xếp loại giáo viên trường chuyên.
2. Chuyển giáo viên ra khỏi trường chuyên
a) Hàng năm, sau một năm học, chuyển khỏi trường chuyên những giáo viên: Trong năm học không đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc có 2 năm học liên tiếp xếp loại trung bình theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Chuyển khỏi trường chuyên những giáo viên bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên khi quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Điều 20. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền của giáo viên
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều lệ trường trung học, giáo viên trường chuyên có tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền sau:
1. Xếp loại khá trở lên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
2. Chấp hành phân công của hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của trường chuyên quy định tại khoản 2, Điều 2 nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên;
3. Tự xây dựng kế hoạch, trình hiệu trưởng phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng để có khả năng sử dụng được tin học, thiết bị dạy học hiện đại và ít nhất một ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp và đạt tiêu chuẩn theo qui định tại khoản 1 Điều này;
4. Hàng năm có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng hoặc một sáng kiến kinh nghiệm.
Điều 21. Nhiệm vụ và quyền của nhân viên
Nhân viên trường chuyên phải có tinh thần phục vụ, ý thức trách nhiệm cao với công việc được giao; chấp hành tốt các quy định của pháp luật; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên.
Điều 22. Nhiệm vụ và quyền của học sinh
Ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh quy định tại Điều lệ trường trung học, học sinh trường chuyên còn có nhiệm vụ và quyền sau đây:
1. Tích cực tham gia các kỳ thi, hội thi, hoạt động văn hóa, xã hội và làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng chế kỹ thuật theo yêu cầu của nhà trường.
2. Được tạo điều kiện nội trú khi có nhu cầu; được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định đối với học sinh trường chuyên.
3. Cựu học sinh trường chuyên được tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Chương IV
TUYỂN SINH VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
Điều 23. Tuyển sinh vào lớp đầu cấp trường chuyên
1. Kế hoạch tuyển sinh
a) Trường chuyên thuộc tỉnh: Hàng năm, trong kế hoạch tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn, sở giáo dục và đào tạo dự kiến chỉ tiêu, địa bàn và kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
b) Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học: Chậm nhất vào ngày 30 tháng 3 hàng năm, hiệu trưởng trường chuyên dự kiến chỉ tiêu, địa bàn và kế hoạch tuyển sinh trình người có thẩm quyền theo quy định của cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên phê duyệt;
c) Chậm nhất trước ngày thi tuyển 60 ngày, trường chuyên thông báo tuyển sinh bằng văn bản đến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học có đối tượng dự thi và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Đăng ký dự tuyển
Mỗi thí sinh được đăng ký dự tuyển ít nhất một môn chuyên. Sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên quy định số lượng tối đa môn chuyên mà mỗi thí sinh được phép đăng ký dự tuyển.
3. Hồ sơ dự tuyển
Hồ sơ dự tuyển vào trường chuyên do sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên quy định.
4. Điều kiện dự tuyển
Học sinh được tham gia dự tuyển khi có đủ các điều kiện sau:
a) Thuộc địa bàn tuyển sinh;
b) Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp trung học cơ sở từ khá trở lên;
c) Xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở từ khá trở lên.
5. Phương thức tuyển sinh
a) Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại khoản 4, Điều này;
b) Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.
Việc thi tuyển có thể tổ chức độc lập hoặc kết hợp với kỳ thi tuyển sinh vào lớp đầu cấp THPT hàng năm.
6. Tổ chức tuyển sinh
a) Vòng 1: Sơ tuyển
Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí sau:
– Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế;
– Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp trung học cơ sở;
– Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở;
– Kết quả đánh giá các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) (nếu có tổ chức đánh giá).
Các tiêu chí trên được đánh giá bằng điểm số. Sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên quy định cách thức cho điểm và mức điểm sơ tuyển cần đạt của các tiêu chí để chọn học sinh vào thi tuyển vòng 2.
b) Vòng 2: Thi tuyển
– Môn thi và đề thi:
+ Môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 môn chuyên. Nếu môn chuyên là Toán, Ngữ văn hoặc một trong các Ngoại ngữ thì mỗi môn này phải thi 2 bài: Một bài thi không chuyên và một bài thi chuyên với mức độ yêu cầu cao hơn;
+ Đề thi: Đề thi được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ được áp dụng các hình thức phù hợp để đánh giá cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
– Thang điểm thi và hệ số điểm bài thi:
+ Điểm bài thi tính theo thang điểm 10, nếu chấm bài thi theo thang điểm khác thì kết quả điểm các bài thi phải quy đổi ra thang điểm 10;
+ Hệ số điểm bài thi: Điểm các bài thi không chuyên tính hệ số 1, điểm các bài thi môn chuyên tính hệ số 2.
– Thời gian làm bài thi:
+ Các bài thi không chuyên: Môn Toán và môn Ngữ văn là 120 phút; môn Ngoại ngữ được vận dụng phù hợp với hình thức thi, tối thiểu là 60 phút;
+ Các bài thi chuyên: Môn Hóa học và môn Ngoại ngữ tối thiểu là 120 phút, các môn khác là 150 phút.
– Điểm xét tuyển:
+ Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng số điểm các bài thi không chuyên, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số);
+ Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên là tổng số điểm các bài thi môn không chuyên và môn chuyên (điểm các bài thi đều tính hệ số 1). Trường hợp thi nhiều môn chuyên thì môn chuyên lấy điểm thi là môn chuyên có điểm cao nhất.
– Nguyên tắc xét tuyển: Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
– Cách xét tuyển:
+ Xét tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.
+ Xét tuyển vào lớp không chuyên: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp không chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu các lớp không chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên tham gia tính điểm xét tuyển vào lớp không chuyên cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.
– Duyệt danh sách trúng tuyển: Sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên duyệt danh sách học sinh trúng tuyển vào trường chuyên.
7. Tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên ra quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo. Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo được thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông hiện hành.
8. Báo cáo kết quả thi tuyển sinh
Chậm nhất vào ngày 25 tháng 8 hàng năm, sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên báo cáo kết quả tuyển sinh với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hồ sơ báo cáo gồm: Kế hoạch tuyển sinh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề thi và hướng dẫn chấm; báo cáo tổng kết kỳ thi tuyển sinh.
Điều 24. Tuyển bổ sung vào lớp chuyên
1. Hàng năm, trường chuyên có thể tổ chức thi tuyển bổ sung vào các lớp chuyên. Việc tuyển bổ sung chỉ thực hiện đối với lớp chuyên có dưới 35 học sinh và chỉ tiến hành để tuyển học sinh vào học từ học kỳ 2 lớp 10 hoặc mỗi học kỳ của lớp 11.
2. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên quyết định việc tuyển bổ sung vào lớp chuyên trên cơ sở đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên.
3. Đối tượng và điều kiện dự thi tuyển bổ sung
a) Đối tượng dự thi: Học sinh đang học lớp 10 hoặc lớp 11 thuộc: Các lớp không chuyên của trường; các trường THPT khác thuộc địa bàn tuyển sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi tài năng do sở giáo dục và đào tạo hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; các lớp chuyên của trường chuyên khác xin chuyển đến.
b) Điều kiện của thí sinh dự thi:
– Nếu thi tuyển bổ sung vào đầu học kỳ 2 lớp 10 thì ở học kỳ 1 lớp 10 môn dự thi vào chuyên phải đạt điểm trung bình từ 8,0 trở lên đối với môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học; từ 7,5 trở lên đối với các môn còn lại; hạnh kiểm xếp loại tốt, học lực xếp loại giỏi.
– Nếu thi tuyển bổ sung vào đầu học kỳ 1 lớp 11 thì ở lớp 10 môn dự thi vào chuyên phải đạt điểm trung bình từ 8,0 trở lên đối với môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học; từ 7,5 trở lên đối với các môn còn lại; hạnh kiểm xếp loại tốt, học lực xếp loại giỏi.
– Nếu thi tuyển bổ sung vào đầu học kỳ 2 lớp 11 thì ở lớp 10 và học kỳ 1 lớp 11 môn dự thi vào chuyên phải đạt điểm trung bình từ 8,0 trở lên đối với môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học; từ 7,5 trở lên đối với các môn còn lại; hạnh kiểm xếp loại tốt, học lực xếp loại giỏi.
4. Môn thi tuyển bổ sung
Thí sinh làm 01 bài thi môn chuyên. Thời gian thi môn Hóa học và môn Ngoại ngữ tối thiểu là 120 phút, các môn khác là 150 phút.
5. Căn cứ điểm bài thi môn chuyên xét từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung vào lớp chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng mà vẫn có những thí sinh có điểm bài thi môn chuyên bằng nhau thì căn cứ điểm trung bình môn thi chuyên ở học kỳ 1 lớp 10 nếu thi tuyển vào đầu học kỳ 2 lớp 10, cả năm lớp 10 nếu thi tuyển vào lớp 11 để xét từ cao xuống thấp.
6. Ngày thi tuyển bổ sung, các quy định về làm đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi do giám đốc sở giáo dục và đào tạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên quyết định theo Quy chế này.
7. Việc phúc khảo thi tuyển bổ sung lớp chuyên được thực hiện như quy định đối với tuyển sinh vào lớp đầu cấp.
Điều 25. Chuyển học sinh chuyên sang trường chuyên khác
1. Nếu trường chuyển đi và trường chuyển đến đã tiến hành tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, sử dụng cùng một hướng dẫn chấm thi) thì điều kiện chuyển trường của học sinh chuyên là phải đạt đủ tiêu chuẩn trúng tuyển sinh chuyên và không thuộc diện phải chuyển ra khỏi lớp chuyên các năm học tương ứng của trường chuyển đi và trường chuyển đến.
2. Nếu trường chuyển đi và trường chuyển đến không tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, sử dụng cùng một hướng dẫn chấm thi) thì học sinh chuyên phải tham dự thi tuyển bổ sung do trường chuyển đến tổ chức theo quy định tại Điều 24 của Quy chế này.
Điều 26. Chuyển học sinh ra khỏi lớp chuyên
Hàng năm, sau mỗi học kỳ trường chuyên tổ chức sàng lọc học sinh chuyên lớp 10, lớp 11 và chuyển sang trường THPT không chuyên hoặc lớp không chuyên của trường những học sinh thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Phải lưu ban.
2. Xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở xuống.
3. Xếp loại học lực từ trung bình trở xuống.
Điều 27. Chương trình và kế hoạch giáo dục
1. Chương trình, nội dung giáo dục của trường chuyên
a) Đối với các lớp chuyên:
– Môn chuyên: Do giáo viên bộ môn quyết định. Căn cứ kế hoạch giáo dục của nhà trường, tham khảo nội dung dạy học chuyên sâu do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch, nội dung dạy học, báo cáo để tổ chuyên môn góp ý và hiệu trưởng phê duyệt trước khi thực hiện;
– Các môn còn lại: Thực hiện như các lớp không chuyên.
Tùy điều kiện thực tế, hiệu trưởng trường chuyên quyết định việc tổ chức dạy học theo một số chương trình giáo dục tiên tiến của nước ngoài; dạy học một số môn hoặc nội dung môn học khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ, báo cáo sở giáo dục và đào tạo trước khi thực hiện.
b) Đối với các lớp không chuyên: Thực hiện chương trình như đối với các trường THPT không chuyên.
2. Kế hoạch giáo dục của trường chuyên
a) Các lớp chuyên bố trí kế hoạch giáo dục nhiều hơn 6 buổi và không quá 42 tiết mỗi tuần;
b) Kế hoạch giáo dục phải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục chung theo quy định và dành thời gian tăng cường dạy học nâng cao chất lượng các môn chuyên, ngoại ngữ, tin học và tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội của học sinh.
3. Hoạt động giáo dục của trường chuyên
Trường chuyên tổ chức các hoạt động giáo dục quy định tại Điều lệ trường trung học và tăng cường tổ chức các hoạt động hướng dẫn học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe của học sinh.
Điều 28. Phát hiện, đào tạo học sinh năng khiếu
1. Trường chuyên có trách nhiệm hàng năm tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, diễn đàn trong trường hoặc với các cơ sở giáo dục khác để phát hiện học sinh có năng khiếu nổi bật.
2. Học sinh có năng khiếu nổi bật được quan tâm đào tạo, theo dõi sự phát triển và đánh giá thường xuyên để có phương thức đào tạo thích hợp nhằm phát triển cao nhất năng khiếu của học sinh.
3. Khuyến khích các địa phương sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) phục vụ việc phát hiện, bồi dưỡng, đánh giá sự phát triển năng khiếu của học sinh và tuyển sinh vào trường chuyên.
Điều 29. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trường chuyên
1. Việc kiểm tra, cho điểm, xếp loại học lực, xếp loại hạnh kiểm, xét lên lớp, thực hiện theo quy định tại Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông hiện hành và các quy định của Quy chế này.
2. Điều kiện dự thi tốt nghiệp, nội dung thi và văn bằng tốt nghiệp đối với học sinh trường chuyên thực hiện theo quy định đối với học sinh trường THPT.
Điều 30. Đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục trường chuyên
Trường chuyên thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 31. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 32. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác tại đây: https://thptchuyensonla.edu.vn/gioi-thieu-van-ban/
Để lại một phản hồi